- Miễn phí hoàn 100% huỷ trước 30 ngày - Huỷ phí 30% dịch vụ từ 15-30 ngày - Huỷ phí 50% dịch vụ từ 7-14 ngày - Huỷ phí 100% dịch vụ dưới 6 ngày
Sầu riêng: Mỏ vàng mới của Đông Nam Á
Nhu cầu về sầu riêng tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác tiếp tục tăng vọt đang là cơ hội xuất khẩu lớn cho các nước Đông Nam Á.
Sầu riêng có lẽ là một trong những loại trái cây khiến nhiều người bối rối nhất. Mùi hương cay nồng và mạnh của thức quả nhiệt đới này luôn gây ra những phản ứng trái ngược khi một số người mê mẩn, yêu thích, một số khác lại miêu tả hương sầu riêng như mùi hành tây thối hay thậm chí là nước cống.
Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chủ yếu được trồng ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Việt Nam. "Vua trái cây" có vỏ ngoài cứng, bao phủ bởi gai, có hình dạng và kích thước khác nhau tùy thuộc từng loại. Khi chín, phần thịt giống như sữa trứng, ngọt và mịn như kem.
Thái Lan và Malaysia là những nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, với sản lượng hàng năm lần lượt đạt 600.000 và 300.000 tấn. Trong khi đó, về mặt tiếp nhận, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore là nơi nhập khẩu chủ yếu.
Dù mùi hương lạ mang đến những phản ứng trái ngược nhưng sầu riêng đang được tiêu thụ ngày càng nhiều, ở cả châu Á và toàn cầu. Tại Trung Quốc, nhu cầu về sầu riêng ngày càng tăng và Thái Lan là quốc gia nguồn cung cấp chính. Hàng năm, 90% - 95% sầu riêng được nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Thái Lan. Năm ngoái, Malaysia chỉ xuất khẩu 5,8%, tương đương 17.000 tấn sầu riêng sang quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Năm 2018, Malaysia nhấn mạnh sầu riêng là một tài sản, thậm chí được ví như "vàng mới", có thể đóng góp vào thu nhập quốc dân. Sầu riêng có tiềm năng thị trường để trở thành một nguồn tài sản nông nghiệp mới cho đất nước.
Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, là giống sầu riêng ngon nhất và được ưa chuộng nhất hiện nay. "Du lịch sầu riêng" ở Malaysia đã thu hút nhiều người yêu thích thức quả này đến và ăn trực tiếp trong các đồn điền, đồng thời tìm hiểu về quá trình canh tác cùng một lúc. Rất nhiều khách du lịch từ Trung Quốc đang đến thăm bang Pahang ở Malaysia, quê hương của Musang King.
Sầu riêng Musang King - còn được gọi với tên khác như D197 hay Mao Shan Wang - là loại sầu riêng được tìm kiếm nhiều nhất ở Malaysia. Lớp thịt dày cùng hương vị ngọt ngào xen lẫn chút cay đắng của phần kem đã chinh phục vị giác nhiều người. Musang King hiện chiếm 23% sản lượng sầu riêng hàng năm của Malaysia.
Trung Quốc đang chính thức nhập khẩu sầu riêng Musang King thông qua hợp tác chiến lược giữa Malaysia và gã khổng lồ thương mại điện tử và bán lẻ - Tập đoàn Alibaba. Quan hệ đối tác đánh dấu những nỗ lực liên tục của Tập đoàn Alibaba nhằm giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Malaysia và trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương thông qua trung tâm Sàn giao dịch Thế giới Điện tử (eWTP) đầu tiên được thành lập vào năm 2017.
Trái sầu riêng của Malaysia được bày bán trên trang thương mại điện tử Alibaba.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp nông nghiệp Malaysia, Sim Tze Tzin cho biết, Malaysia tiếp tục tạo điều kiện cho việc xuất khẩu và quảng bá các sản phẩm địa phương độc đáo ra thị trường toàn cầu. Quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Malaysia và Trung Quốc dẫn đến sáng kiến xuất khẩu sầu riêng và cả hai chính phủ đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều tháng để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu sầu riêng Musang King đông lạnh dưới dạng cả quả sang Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan và Malaysia sang Trung Quốc.
Trước đây, chỉ có bột giấy, bột nhão và các sản phẩm chế biến mới được phép vào Trung Quốc do hạn chế kiểm dịch. Đây là lần đầu tiên sầu riêng của Malaysia được xuất khẩu đông lạnh dưới dạng cả trái. Điều này tiếp tục cho thấy nỗ lực hợp tác mạnh mẽ và rõ ràng của các cơ quan chính phủ Malaysia và Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thứ trái cây được nhiều người ưa thích.
Trong những năm trước, nguồn cung hạn chế và nhu cầu mạnh đã đẩy giá sầu riêng Musang King tăng lên. Theo Trung tâm Công nghệ Phân bón và Thực phẩm cho Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (FFTC-AP), giá sầu riêng ở Malaysia đã tăng 200% kể từ năm 2014.
Do nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế, giá sầu riêng Musang King ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với các nơi khác. Một quả sầu riêng Musang King có thể đạt tới mức đáng kinh ngạc là 122 USD mỗi kg. Để kiếm tiền từ lợi nhuận của trái cây, nhiều trang trại của Malaysia đã mở rộng thành các đồn điền lớn.
Trong buổi đấu giá những trái sầu riêng kanyao quý hiếm và ngon nhất thế giới tại lễ hội King of Durian 2019 ở Thái Lan, một trái sầu riêng đã được mua với mức giá lên tới 48.000 USD (hơn 1 tỷ VND).
Trái sầu riêng được đấu giá hơn 1 tỷ VND tại Thái Lan.
Sầu riêng được trồng ở Việt Nam có diện tích khoảng 30.000 ha (năm 2018), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Đắk Lắk với hai giống sầu riêng chính gồm sầu riêng Ri 6 và sầu riêng Monthong Thái Lan.
6 năm trước, Công ty Phát triển công nghệ sinh học DONA TECHNO (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa trái cây này vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, 4 năm sau, doanh nghiệp này vẫn chưa cung ứng đủ nhu cầu sầu riêng Việt Nam cho thị trường tiềm năng này.
Tháng 12/2018, cùng với khoai lang, sầu riêng của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy hơn 70% sản lượng sầu riêng nước ta được xuất khẩu sang nước bạn qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao.
Hầu hết sầu riêng nước ta đều xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Nhu cầu về sầu riêng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn đang tăng vọt, là cơ hội xuất khẩu tiềm năng cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của các nước đối tác và nâng cao giá trị trái sầu riêng nói riêng cũng như các loại nông sản khác nói chung vẫn là bài toán mà các nhà quản lý và người nông dân ta vẫn chưa có biện pháp giải quyết tối ưu.
https://phanbondientrang.vn/tin-tuc/gia-thanh-long-cao-ky-luc-5-nam-nong-dan-binh-thuan-lai-dam-96.html